A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

Thời gian gần đây, tình hình hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội, mạng internet diễn biến phúc tạp, xảy ra tại nhiều địa bàn trên cả nước với nhiều thủ đoạn hoạt động mới, tinh vi, gây thiệt hại lớn

Hình thức lừa đảo qua mạng Internet, mạng viễn thông, qua các app trên mạng xã hội... có dấu hiệu gia tăng trong thời gian qua, với nhiều cách thức nhằm chiếm đoạt tiền của người dân. Công an huyện Đăk Hà thông báo một số thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng xảy ra tại địa phương như sau:

- Ngày 08/7/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đăk Hà tiếp nhận nguồn tin tố giác về tội phạm vụ "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với hình thức giả danh Cơ quan Công an yêu cầu chuyển tiền vào số tài khoản cá nhân của người khác tại ngân hàng.

Bị hại được xác định trong vụ việc này là chị H.T.H (Sinh năm 1976, trú tại: thôn Đăk Lợi, xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà) bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 250. 000.000đ (hai trăm năm mươi triệu đồng).

Trước đó, theo đơn trình báo của chị H. T. H vào khoảng 13 giờ 00 phút ngày 07/7/2022, chị H. T. H nhận được cuộc gọi điện thoại đến của một người phụ nữ tự xưng là “Cán bộ phòng, chống ma túy” rồi tiếp tục chuyển máy điện thoại cho một người đàn ông. Sau đó, người đàn ông tự xưng với chị H. T. H là “Cơ quan điều tra Công an tỉnh Kon Tum” và yêu cầu chị H chuyển toàn bộ số tiền tiết kiệm có trong tài khoản gửi của mình là số tiền 250.000.000đ vào tài khoản cá nhân do các đối tượng này cung cấp để phục vụ điều tra. Nếu không chuyển số tiền này thì sẽ bị khởi tố, bắt tạm giam. Vì lo sợ, tin những lời nói của hai đối tượng trên là thật, nên chị H đã chuyển số tiền 250.000.000đ vào tài khoản của các đối tượng cung cấp. Sau đó, chị H gọi điện đến số điện thoại mà các đối tượng gọi đến nhưng không liên lạc được với các đối tượng này nữa và biết đã bị lừa nên chị H đã lên cơ quan Công an huyện Đăk Hà để trình báo vụ việc trên. Hiện tại đối với vụ việc trên Cơ quan CSĐT đang tiến hành điều tra, xác minh theo quy định pháp luật.

- Ngày 06/7/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đăk Hà tiếp nhận xác minh điều tra tin báo "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với hình thức đặt mua hàng trên mạng xã hội.

Thông qua mạng xã hội, anh P.H.V (SN 1990; trú tại thôn Tân Lập A, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà) đã liên lạc với người đàn ông tên Dũng tự xưng là “Giám đốc Công ty TNHH TM&DV xuất nhập khẩu Thép Việt” để đặt mua hàng. Sau đó, hai bên thống nhất thỏa thuận việc mua bán nên anh V đã chuyển tổng số tiền 163.610.000đ vào số tài khoản do Dũng cung cấp. Sau khi chuyển đủ số tiền trên thì anh V không liên lạc được với Dũng để nhận hàng.

Zalo

Tình hình tội phạm lừa đảo qua mạng ngày một gia tăng với tính chất vô cùng phức tạp, chúng sử dụng những thủ đoạn hết sức tinh vi khiến nạn nhân không thể lường trước được. Vậy, nạn nhân cần phải làm gì khi sập bẫy lừa đảo qua mạng?

- Đối với các trường hợp thông qua điện thoại tự xưng là cán bộ Công an, Tòa án... yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để phục vụ thanh tra, điều tra thì đây đều là các hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Khi gặp trường hợp này, người dân phải bình tĩnh, đề cao cảnh giác, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, số tài khoản cá nhân… cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó, không được hoang mang lo sợ mà chuyển tiền.Đến ngay cơ quan Công an nơi gần nhất để báo tin và đề nghị hỗ trợ xác minh.

- Người dân khi mua hàng qua mạng, cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch. Người dân không nên chuyển tiền đặt cọc mua hàng khi không rõ thông tin, danh tính, địa chỉ người bán. Để tránh rủi ro, người mua cần trực tiếp đến cửa hàng hoặc địa chỉ người bán, kiểm tra hàng hóa trước khi mua.

- Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội. Thường xuyên thay đổi và đảm bảo độ mạnh của mật khẩu (kết hợp chữ hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt). Không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội.

- Không cung cấp các thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng của mình cho các đối tượng mà mình không quen biết. Thận trọng rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền. Đồng thời có biện pháp bảo vệ các tài khoản ngân hàng, tài khoản cá nhân để tránh bị các đối tượng lợi dụng, chiếm đoạt.

- Thận trọng khi nhận các thư điện tử. Kiểm tra kỹ địa chỉ thư điện tử nhận được xem có đúng là thư điện tử của người mình quen biết gửi đến hay không. Không nhấp vào liên kết hoặc mở tệp đính kèm trong thư điện tử mà không muốn nhận hoặc đến từ người gửi không xác định. Chỉ mở thư điện tử hoặc tải xuống phần mềm/ứng dụng từ các nguồn đáng tin cậy.

- Không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân có liên quan như: căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc thẻ ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết.

- Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho Cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết (Ngay sau khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, nạn nhân có thể gọi ngay đến đường dây nóng của cơ quan Công an huyện Đăk Hà để tố giác tội phạm: Số điện thoại đường dây nóng 0260.382.2102) ./.

Bị lừa đảo qua mạng, tố cáo ở đâu?

Thông thường, với những vụ lừa đảo qua mạng sẽ rất khó để xác định được thông tin chính xác của kẻ lừa đảo vì chứng sẽ sử dụng các thông tin giả mạo hoặc ẩn danh. Do đó, việc tự mình lấy lại số tiền lừa đảo sẽ rất khó.

Thay vào đó, nạn nhân của các vụ lừa đảo qua mạng có thể nhờ tới cơ quan có thẩm quyền để được hỗ trợ, giải quyết.

Theo quy định tại Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Điều 5 Thông tư liên tịch số 01/2017, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm gồm:

- Cơ quan điều tra;

- Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

- Viện kiểm sát các cấp;

- Các cơ quan, tổ chức khác: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.

Như vậy, người bị hại trong các vụ lừa đảo qua mạng có thể tố cáo hành vi phạm tội tới các cơ quan nêu trên để được giải quyết kịp thời.

Tuy nhiên, cần thu thập và lưu giữ các bằng chứng liên quan đến hành vi lừa đảo, các biên lai, giao dịch giữa hai bên. Trong đó, có thể sử dụng bằng chứng là các file ghi âm, ảnh chụp, video… để nộp cho cơ quan Công an.

Sau đó, nạn thân làm đơn tố giác gửi đến cơ quan Công an, người tố giác cần chuẩn bị hồ sơ gồm:

- Đơn trình báo công an;

- Chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân của bị hại (bản sao công chứng);

- Chứng cứ kèm theo để chứng minh.


Tác giả: Công an huyện Đăk Hà  

Tin liên quan