Xây dựng và nâng tầm vị thế người nông dân thời kỳ mới
Hội Nông dân huyện Đăk Hà hiện có trên 8.200 cán bộ, hội viên. Phát huy truyền thống cách mạng của giai cấp, trên cơ sở bám sát điều kiện thực tiễn của từng địa phương, từng cơ sở hội, các phong trào thi đua yêu nước của hội viên nông dân ngày càng đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Giúp cán bộ, hội viên nông dân phát huy và khẳng định vai trò chủ thể tích cực trong phát triển nông nghiệp – nông dân – nông thôn trong thời kỳ mới.
Sau nhiều thời gian nghiên cứu, nắm bắt kiến thức và kinh nghiệm từ nhiều nguồn thông tin, năm 2018, ông Nguyễn Đình Toan quyết định chuyển hầu hết diện tích ao nuôi các loại cá trắng thông thường sang nuôi cá chình – loại thủy sản có giá trị kinh tế cao và cũng hoàn toàn mới lạ với thị trường Đăk Hà và các tỉnh Tây Nguyên.
Ông Toan cho biết, đặc điểm của loại cá này là thời gian sinh trưởng kéo dài, nguồn thức ăn là các loại cá nhỏ được ông thu mua từ các hộ dân đánh bắt trên lòng hồ thủy điện Plei Krông nên ít phụ thuộc vào biến động của thị trường. Sau 5 năm dày công nghiên cứu, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, thành quả cho công sức lao động của người nông dân chất phác này, là mỗi mẻ lưới nhỏ cũng có giá trị hàng chục triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Dần – Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đăk Hà cho biết, từ thành công của bản thân, ông Toan vận động các hội viên CCB thành lập Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản. Cùng với tổ chức các buổi tham quan, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, hội Nông dân thị trấn cũng chú trọng liên kết với các thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
“Đến nay trên địa bàn thị trấn, có trên 20 hộ dân đã phát triển nghề nuôi cá Chình thương phẩm với tổng diện tích trên 8 hecta mặt nước. Với mức giá bình quân trên 500 ngàn/kg, các hộ dân đã có khoản thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nghề nuôi cá Chình” – ông Dần cho biết.
Theo bà Y Hiền – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đăk Hà, nhờ phát huy lợi thế về đất đai và kinh nghiệm, những năm qua, cán bộ, hội viên nông dân đã chủ động tiếp cận, chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao để đưa các loại cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Qua đó, vừa nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng đất, vừa góp phần đa dạng các mặt hàng nông sản theo hướng hàng hóa giá trị kinh tế cao, bền vững. Trung bình hàng năm, có 2.000 hộ nông dân đăng ký, phấn đấu đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Đến cuối năm 2022, toàn huyện có 1.553 hộ được công nhận nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Có thể thấy, phong trào Nông dân thi đua SXKD giỏi đã khích lệ động viên Nông dân tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ, kiến thức để chủ động trong sản xuất kinh doanh, theo hướng bền vững hơn. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tập trung, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.
Cùng với thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, hạ tầng cơ sở tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS được đầu tư xây dựng kiên cố, là điều kiện thuận lợi để người dân mở rộng quy mô sản xuất. Với phương châm hướng về cơ sở, phong trào Nông dân cũng đã đóng góp vai trò quan trọng trong thực hiện cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ cách làm của người DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững và các Nghị quyết chuyên đề về phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và Miền núi.
Theo anh A Nhân – Chủ tịch HND xã Đăk Pxi, với đặc thù là xã đặc biệt khó khăn, để thực hiện có hiệu quả phong trào công tác hội gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, Hội nông dân xã và các chi hội đã đẩy mạnh tuyên truyền để bà con tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi như áp dụng giống lúa mới, giống mỳ mới, trồng cây Cà phê và các mô hình năng suất cao như chuối, chăn nuôi dê, heo sọc dưa… Từ đó, phát huy nguồn lực, tính tương trợ của cộng đồng để giúp đỡ các gia đình chính sách, những hộ nghèo có điều kiện vươn lên khá giàu.
Là địa phương có thế mạnh trong sản xuất Nông nghiệp, huyện Đăk Hà hiện có tổng diện tích 31.950 hecta cây trồng các loại. Bên cạnh các loại cây công nghiệp chủ lực như Cà phê, cao su, người dân trên địa bàn đã tích cực tìm hiểu, chuyển đổi sang canh tác nhiều loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao như cây Mắc ca, cây sầu riêng… Từ hiệu quả của các mô hình kinh tế mới, giúp cho địa phương có những giải pháp quyết liệt hơn trong quy hoạch nông nghiệp bền vững. Gắn với đó, là đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nông nghiệp số và nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn.
Theo ông Nguyễn Tri Sáu – Giám đốc HTX Nông nghiệp và Thương mại – dịch vụ Sáu Nhung, khi người nông dân chủ động thích ứng với nền tẳng công nghệ số, sẽ giúp phát huy và khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để hình thành các vùng chuyên canh Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao. Vừa là bước tiến quan trọng nhằm hiện đại hóa Nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Góp phần quan trọng để thực hiện tốt mục tiêu Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 18/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Với sự hỗ trợ của các ngành chuyên môn và địa phương, nhiều hộ nông dân đã chủ động tiếp cận KHKT, công nghệ cao, đầu tư vào lĩnh vực chế biến… giúp đa dạng hóa các sản phẩm đưa ra thị trường, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm. Việc ứng dụng nền tảng công nghệ số trong tiếp cận thị trường và phân phối sản phẩm của doanh nghiệp bước đầu đạt được những tín hiệu tích cực.
“Với những kết quả đạt được trong phong trào công tác hội, trong nhiệm kỳ 2018 – 2023, Hội Nông dân huyện có 12 cá nhân được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng 12 kỷ niệm chương “Vì giai cấp nông dân Việt Nam” và được công nhận nhiều danh hiệu như: danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020; Chi hội trưởng tiêu biểu toàn quốc. Nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu được cấp ủy, chính quyền các cấp vinh danh” bà Y Hiền thông tin.
Bước vào giai đoạn mới, với những chủ trương phát triển Nông nghiệp bền vững, nông nghiệp số, nông nghiệp tuần hoàn,... của Đảng và Nhà nước đang mở ra cơ hội, cũng như những thách thức. Với những định hướng đúng đắn và các giải pháp linh hoạt được triển khai, phong trào công tác hội Nông dân tại huyện Đăk Hà đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng và nâng tầm vị thế của người nông dân thời đại mới, trở thành lực lượng lao động tiên tiến, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Đáp ứng yêu cầu là chủ thể, là trung tâm của quá trình đổi mới, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.