A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phan Văn Học – Đảng viên làm kinh tế giỏi ở xã Đăk Pxy

Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Đăk Pxy (huyện Đăk Hà) vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng từ việc “làm theo” cách chăn nuôi Heo sọc dưa, nuôi Dê cỏ, trồng cà phê…của đảng viên Phan Văn Học.

 

 

Được ông Nguyễn Phúc Đoan, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Đăk Pxy giới thiệu,  chúng tôi đã tìm gặp anh Phan Văn Học - đảng viên tiên phong của xã xây dựng mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt giúp đồng bào dân tộc thiểu số địa phương học tập, làm theo vươn lên xóa đói, giảm nghèo hiệu quả. Anh Phan Văn Học cho biết: Năm nay 41 tuổi, quê Nghệ An, công tác tại xã Đăk Pxy gần 20 năm. Ban đầu, tham gia đội Trí thức trẻ tình nguyện phát triển vùng sâu, vùng xa tại xã Đăk Pxy do Tỉnh đoàn Kon Tum tổ chức năm 2003. Sau khi hoàn thành thời gian tình nguyện, năm 2005, anh được giữ lại xã làm cán bộ 253 (theo Đề án "Một số giải pháp củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên" giai đoạn 2002 - 2010" của Chính phủ) kiêm công tác xóa đói, giảm nghèo rồi cán bộ thống kê và hiện nay là Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pxy.


Những năm đầu sinh sống, công tác tại Đăk Pxy, anh gặp rất nhiều khó khăn, từ điều kiện tự nhiên, đến các vấn đề về xã hội, như giao thông đi lại từ xã đến các thôn, làng và huyện rất khó khăn; trình độ dân trí thấp, xã có trên 95% là đồng bào dân tộc thiểu số Xê Đăng sinh sống nên việc giao tiếp bằng ngôn ngữ địa phương với đồng bào gặp nhiều hạn chế; các hủ tục còn nhiều, hầu hết người dân chưa biết trồng trọt, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống, sản xuất nên đời sống kinh tế- xã hội của người dân gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, tỉ lệ hộ nghèo của xã còn rất cao;…Trước những khó khăn trên, thôi thúc anh phải làm một việc gì đó để giúp người dân làm theo vươn lên thoát nghèo.


Qua khảo sát điều kiện tự nhiên của xã phù hợp với trồng cây công nghiệp và nuôi gia súc, bắt đầu từ năm 2009, anh trồng thử nghiệm 700 cây cà phê và làm chuồng nuôi thử vài con heo Sọc dưa nái để lấy heo giống. Sau khi trồng cà phê và nuôi heo thử nghiệm, anh thấy cây cà phê và đàn heo phát triển tốt, phù hợp với khí hậu ở địa phương, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, dịch bệnh. Đối với nuôi heo, thức ăn lại dễ kiếm từ các phụ phẩm nông nghiệp, chi phí thấp và giá cả thị trường ổn định. Từ vài con giống ban đầu, khi heo sinh sản hàng năm khoảng 6 con/lứa, một năm hai lứa, anh cung cấp con giống dưới hình thức cho mượn và hướng dẫn phương pháp nuôi cho bà con địa phương. Thời điểm đó, vận động bà con chăn nuôi heo rất khó vì người dân chưa có thói quen nuôi heo nhốt chuồng, chủ yếu thả rông và săn bắt heo tự nhiên, nhưng với cách làm hiệu quả của anh, một số hộ dân đã có sự chuyển biến trong nhận thức, bắt đầu nhận nguồn giống heo anh cho mượn để nuôi và áp dụng kiến thức, kinh nghiệm do anh hướng dẫn, truyền đạt để áp dụng vào trong trồng trọt, chăn nuôi.


Kiên trì thay đổi nhận thức, hành động về thói quen trồng trọt, chăn nuôi lạc hậu của bà con bằng nhiều hình thức như tuyên truyền, vận động, xây dựng mô hình điểm bằng trực quan sinh động để người dân được nhìn thấy trực tiếp. Đến năm 2020, được sự thống nhất của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, anh phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà, hướng dẫn Ban quản lý thôn trích tiền Dịch vụ môi trường rừng thành lập Quỹ hỗ trợ sinh kế để hỗ trợ vốn không lấy lãi cho bà con trồng cà phê, chăn nuôi heo Sọc dưa. Nhiều hộ dân có khó khăn về giống, vốn, anh đã đầu tư mua giống nuôi chung với bà con rồi chia đôi lợi nhuận. Ban đầu mới có 3- 4 hộ đăng ký làm theo mô hình của anh, nhưng sau khi thấy anh và các hộ thành công, đến nay đã có hàng trăm hộ trồng cà phê, nuôi heo Sọc dưa thành công. Người dân rất phấn khởi khi đàn heo Sọc dưa phát triển tốt, không đủ con giống và thịt cung cấp cho thị trường; số lượng sản phẩm làm ra được thị trường tiêu thụ mạnh, với giá cả cao, bình quân 120 ngàn/kg heo hơi; nhiều hộ có thu nhập vài chục triệu đồng với một đợt xuất chuồng hàng chục con giống và heo thịt. Từ thu nhập cao và ổn định từ nuôi heo, nhiều hộ gia đình đã sửa sang nhà cửa, mua sắm phương tiện đi lại, chi phí cho việc học hành của con, cải thiện đời sống kinh tế cho gia đình.


Năm 2021, sau khi thành công với mô hình nuôi heo Sọc dưa, anh tiếp tục bàn bạc với cấp ủy, chính quyền phát triển nuôi Dê cỏ thương phẩm vì giá trị kinh tế cao, không dịch bệnh, công chăm sóc đơn giản, thức ăn tận dụng được từ nguồn tự nhiên sẵn có, như các loại cỏ, lá cây, đầu ra ổn định, thương lái đến tận nơi để mua với giá cả có lãi. Được sự thống nhất, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể, anh quyết định đầu tư nuôi Dê cỏ. Ban đầu, bà con địa phương chưa quen với nuôi dê, anh lại phải đầu tư chuồng trại, mua dê giống về nuôi mô hình để bà con học tập. Sau lứa đầu, từ hai dê giống mẹ, sinh sản thành công với 10 con dê con trong năm, anh cung cấp giống không lấy tiền cho một số hộ nuôi "rẻ", khi bán sản phẩm chia đôi lợi nhuận. Với cách làm này, hiện đã có hàng trăm hộ gia đình của xã chuyển sang nuôi heo Sọc dưa vừa nuôi Dê cỏ theo hướng sản xuất hàng hóa, hàng năm vừa bán giống, bán thịt cũng thu được vài chục triệu đồng/hộ.


Ông Nguyễn Phúc Đoan nhận xét: Anh Phan Văn Học là một đảng viên tiêu biểu của xã, trong suốt gần 20 năm công tác ở địa phương, anh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy, hết lòng vì công việc của một đảng viên dù ở bất kỳ vị trí công tác nào; anh là tấm gương tiêu biểu trong việc giúp dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm lạc hậu, là người tiên phong trong xây dựng mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả của địa phương, giúp người dân địa phương học tập, làm theo vươn lên xóa đói, giảm nghèo từ nuôi heo, nuôi dê và trồng cà phê. Với tấm gương tiêu biểu của một đảng viên hết lòng vì công việc, hàng năm anh đều được cấp ủy, chính quyền tuyên dương, khen thưởng.


Tin liên quan